Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2010

AC THU HO CHI MINH GIET NU THANH NIEN MIEN BAC TREN DAY TRUONG SON (PHAN 2 )

Ra mặt trận từ năm 20 tuổi, nhà văn Dương Thu Hương là một nhân chứng hùng hồn về cuộc chiến thảm khốc này. Bà hãy còn giữ những hình ảnh chấn động về cuộc chiến, để mô tả lại một cách chân phương, không hoa mỹ, trong tiểu thuyết của mình. Ngay từ những trang đầu trong tác phẩm Tiểu thuyết vô đề, bà đã mô tả cái chết bi thảm của sáu cô gái trong rừng, mà mùi hôi thối dậy lên nồng nặc, đã dẫn đường cho những người sống đến tìm: “Chúng tôi hướng vào góc rừng đã tỏa ra mùi thối khủng khiếp mà đi. Tới vực Cô hồn, gặp sáu cái xác truồng. Xác đàn bà. Vú và cửa mình bị xẻo, ném vung vãi khắp đám cỏ xung quanh. Nhờ những tấm khăn dù, nhờ những chiếc cổ áo sơ mi kiểu lá sen tròn và hai ve nhọn mà chúng tôi nhận ra đấy là những người con gái Miền Bắc. Có lẽ họ thuộc một binh trạm hoặc một đơn vị TNXP cơ động nào đó bị lạc. Cũng có thể họ đi kiếm măng hoặc rau rừng như chúng tôi rồi vấp bọn thám báo”.[34] Một đại tiệc cho côn trùng, “say sưa chè chén”. Dĩ nhiên, lối viết có vẻ ly kỳ, bi thảm đã cho ta thấy rõ sự kinh khủng của chiến tranh, theo cách của hai tiểu thuyết gia: Malaparte (Ý) hay Remarque (Đức) nổi tiếng về việc miêu tả những thảm cảnh của hai cuộc chiến tranh tại Âu Châu. Tuy nhiên, văn của Dương Thu Hương dao động giữa hư ảo và thực tế khốc liệt của chiến tranh. Xuyên qua tác phẩm, chị dám nói lên những điều cấm kỵ của những năm 90 về sự lừa phỉnh của chiến tranh và tính chất của nó. Sự kinh tởm tuyệt đối được trình bày ở đây một cách rất thực, không che giấu, mà chẳng thể mong gì hơn ở những bản tường trình mới đây của Lê Cao Đài hay những cán bộ lãnh đạo TNXP như Nguyễn Văn Đệ. Vả lại, trong tập này, Dương Thu Hương đề cập nhiều hơn về khía cạnh xâm hại tình dục và tàn phế do chiến tranh, hai bi kịch còn ít được nhắc đến bởi thực chất tàn bạo của nó.
Chấn thương tâm thần và thể xác. Trong những điều kiện sống cực kỳ gian khổ, TNXP phải thích nghi cả thể xác lẫn tâm hồn. Sống trong chiến tranh, người ta dễ bị chấn thương tinh thần và việc phát lên điên loạn cũng cần được nêu lên. Trong Tiểu thuyết vô đề, Dương Thu Hương viết tiếp: “Mấy cậu sốt rét ác tính điên rồ, cởi hết áo quần ra mà nhảy múa, la hét”.[35] Cuộc sống xa gia đình kéo theo nỗi nhớ nhà và những lo ngại triền miên. Với việc chuyển đổi khắc nghiệt từ hòa bình sang chiến tranh, từ cuộc sống đời thường sang quân ngũ, từ tình cảm đến nỗi sợ hãi, một dạng “Hội chứng” đã xuất hiện, nhất là trong giới nữ. Nó đã đánh lạc hướng các nhà lãnh đạo nam giới ở các đơn vị nữ TNXP. Hiện tượng này được gọi là “điên tập thể”. Nguyễn Văn Đệ nhắc lại tình huống đã dẫn đến hội chứng này: “Có khi chị em đang xúm lại đọc một bức thư của gia đình gửi đến, bỗng một người xúc động khóc nấc lên thế là cả tiểu đội, đại đội như có sự phản ứng, kích động dây chuyền tất cả đềi la hét, khóc toáng lên và cứ thế lan ra từ đại đội này sang đại đội khác. Họ khóc, họ kêu, họ chạy, nhảy, thậm chí trèo cả lên cây nói cười lảm nhảm hàng tiếng đồng hồ”.[36]
Đó là một thực tế, một bộ phận cựu chiến sĩ nữ TNXP bị chìm trong bệnh cuồng bởi chiến tranh. Đương đầu với hiện tượng này, các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị cũng lúng túng, lo ngại, bởi không ai biết phải giải quyết thế nào. Đặc biệt liên quan đến những chiến sĩ mới, hiện tượng này cũng mờ dần theo thời gian và thói quen thời chiến. Nguyễn Văn Đệ kể lại rằng mãi lâu sau chiến tranh mà những hiện tượng điên cuồng tương tự cũng xuất hiện trong đội ngũ lính trẻ quân đội nhân dân và ngay trong đơn vị TNXP của ông.[37] Một bằng chứng cũng đã được tướng Đồng Sĩ Nguyên xác nhận trong cuộc trò chuyện với Hiền, một thủ lĩnh TNXP đương nhiệm, mới hơn một năm trên đường mòn HCM. Cô cho rằng “bệnh hay cười” đang dần trở lại và lan toả trong lực lượng TNXP.[38] Trong bối cảnh đặc biệt ở môi trường không thân thiện, như bị lãnh đạo áp chế, cuộc sống bị đảo lộn bất thần và thô bạo, thì sự điên cuồng tập thể xuất hiện như một phản kháng cuối cùng. Đó như là một phản ứng tự vệ, chứ không vì mục đích chính trị hay nổi loạn cá nhân. Trước hết phải thử dùng sức mạnh tập thể để phản kháng, cả tâm hồn và thể xác, với sự khủng bố tinh thần, sự thô bạo chết người. Ở một nơi mà người ta không thể chịu đựng nổi những cuộc tranh luận chính trị, một nơi mà việc đào ngũ khó thực hiện được, thì những cuộc khủng hoảng tập thể coi như là phương cách tốt nhất để giải toả sự dồn nén cả tinh thần lẫn vật chất đè nặng lên đôi vai của những người trẻ tuổi này, trong điều kiện sống quá khắc nghiệt. Nó cho phép gắn kết tinh thần và thể xác của một đại đội, cùng chung nỗi tuyệt vọng vì một sự tồn tại như một cái án treo.
Cơ thể suy tàn. Cuối cùng, cái chết đến với những cơ thể suy yếu nhất. Lê Cao Đài cho biết rằng trên Mặt trận Tây Nguyên, “Anh em đã tổng kết có 32 kiểu chết ở Tây Nguyên: chết do ốm, chết do bom đạn, chết đuối, chết do rắn cắn, chết do cây đổ, chết do ăn phải nấm độc, chết do voi giày, chết do bắn nhầm nhau”.[39] Người ta cũng có thể chết vì đói, Nguyễn Văn Đệ nhớ lại.[40] Số khác, vì quá khát, chết vì uống phải nước uống bị ngộ độc. Số khác có thể là nạn nhân của những tai nạn thương tâm. 10 thanh niên bị 1 ôtô goòng chở đầy hàng hoá, cán chết giữa đêm khuya.[41] Số khác thì không sống nổi bởi những vết thương và những cuộc mổ xẻ liên tục. Những người hấp hối được giấu ở những nơi chật hẹp, như là tiền đồn của họ trước lúc ra đi vĩnh viễn.[42] Cuối cùng là một con số không kể xiết những người tự nguyện chấm dứt cuộc đời.[43] Không thể đánh giá hết sự bỏ ngũ. Tự tử, đào ngũ, mất tích, coi như 3 bản án tử hình. Dẫu sao, sau cuộc đào ngũ, vấn đề sống còn được đặt ra. Đối với đơn vị mất người, cuộc đào ngũ đồng nghĩa với việc mất tích. Cuối cùng, nhiều vụ mất tích đươc nêu ra. Nhiều thanh niên bị kiệt sức và đơn độc, đã mất xác trong rừng sâu. Cũng có khi họ may mắn gặp lại đơn vị, tiểu đội hay đại đội, là may mắn sống còn. Trong nhiều trường hợp khác, người ta đã phát hiện xác của họ, và lại còn những trường hợp tồi tệ hơn, họ biệt tích vĩnh viễn mà không để lại vết tích gì (khoảng 300.000 người mất tích trong chiến tranh).[44]
Việc cáng thương (vận chuyển thương binh) do nữ TNXP đảm nhiệm, cũng xảy ra nhiều chuyện đau lòng. Nhiều khi họ phải vác trên lưng những thương binh nặng đi hàng bao nhiêu cây số, mà các thương binh, vì bị đau đớn quá, đã cắn xé hay đánh đập các cô gái tội nghiệp này.[45] Rất nhiều khi vì thiếu phương tiện, thiếu thuốc men, xa thành phố, xa bệnh viện, tự thấy tình hình quá bi đát, họ đã dũng cảm chờ chết. Thân thể các thương binh và bệnh binh sốt rét tạo nên 1 hình ảnh hùng tráng mà bác sĩ Lê Cao Đài đã can đảm mô tả trong cuốn nhật ký chiến trường của mình.[46] Bệnh kiết lỵ, sốt rét, bệnh nặng ngoài da, đã nhanh chóng biến các thân thể lụi tàn thành những bộ xương, nằm chờ chết như một niềm an ủi cuối cùng.
Thân thể huyễn hoặc và gợi cảm. Tuy nhiên, một hình ảnh yên bình khác cũng đi song song với cảnh đáng sợ trên. Đó là lúc các cô gái cùng chia sẻ niềm vui, sự tương trợ cùng nhau trong bữa cơm chung. Một huyền thoại về cô gái TNXP đã được cánh lái xe lan truyền “Chúng tôi đi qua, được chào hỏi bằng những trận cười giòn tan. Qua ánh sáng của những vì sao, tôi thoáng thấy Nguyễn Thị Thanh, một cô gái với hàm răng sáng bóng, chiếc thắt lưng gọn gàng ôm lấy thân cô trong bộ đồ veste oai nghi”.[47]
Trong các trường hợp khác, một cô giao liên có thể là tâm điểm chú ý của các chàng lái xe trên dãy Trường Sơn. Cô là hiện thân hoàn hảo của một cô gái TNXP: “Cô đột nhiên xuất hiện trước mắt chúng tôi như một bông hoa lạ giữa rừng, khiến cả cánh lái xe chúng tôi sững sờ nhìn theo. Trong chiếc áo lính gọn gàng, quần lụa màu đen, đầu đội chiếc mũ kaki mềm bao trùm khuôn mặt xinh xắn, với nước da hồng hào. Lại còn đôi mắt hình hạt dẻ và tỏa sáng trí thông minh, đôi lông mày mỏng dính vẽ nên một đường cong tuyệt đẹp”.[48]
Trên đường mòn HCM, các đội nữ TNXP thường quan hệ với các đơn vị bộ đội, mang lại niềm vui cho họ. Nhà văn Đỗ Chu viết rằng “một quan hệ láng giềng làm họ vui sướng”[49] khi nói về việc bố trí một đại đội bộ đội gần khu lán của các cô gái trẻ. Tiếng cười của họ làm dịu đi không khí bức bối của rừng rú: “Ai cười phía trước đây nhỉ? Lại mấy cô bạn TNXP” Việt nói, anh là lái xe tải trên đường mòn.[50]
Những cuộc tình bị cấm đoán làm thành một phần của trận tuyến. Đắm đuối hay bi kịch, nó tồn tại như một ý chí muốn làm giảm đi sự thô cứng và đau đớn của chiến tranh. Tình yêu đôi khi cũng là bó buộc. Sự tập trung trong rừng, sự chung chạ trong lán trại, tạo điều kiện cho thân xác gần gũi. Bác sĩ Lê Cao Đài lưu ý một câu chuyện về những quan hệ tôn ti trật tự, hiểu ngầm là “quyền của cấp trên”, hẳn khá phổ biến. Đêm nọ, một cô gái làm ngạc nhiên mọi người khi bị phát hiện cùng một sĩ quan của bộ phận y tế; cả hai đều xấu hổ. Nhưng cô gái là người chịu búa rìu. Một đồng đội hỏi cô là không sợ mang thai hay sao? Cô gái vừa khóc vừa trả lời rằng sếp nói với cô anh ấy làm điều phải làm. Lê Cao Đài than thở là chính những người hay dạy đạo đức cho người khác lại phạm luật. Ông ghi nhận với sự dè bỉu: “Thủ trưởng đã có cách!…”, sau này trở thành câu nói đùa trong Viện mỗi khi chúng tôi ở trong tình thế khó xử. Và cũng xuất hiện một câu vè: ‘Thủ trưởng nhìn em, thủ trưởng cười. Đau lòng em lắm thủ trưởng ơi!’ ”[51]
Nhưng thường thì tình yêu là bất khả, trễ tràng hay bi kịch. Tình yêu kết hôn với sự chai sạn của thực tế, được tưởng tượng như là cánh cửa mở vào tương lai tốt đẹp, như trong các trang nhật ký của những người trẻ tuổi điên cuồng trong chiến tranh.[52] Đặng Thị Vân, một cựu TNXP tâm sự: “Đó là chiến tranh mà, ngày mai chẳng biết ra sao nên chẳng ai dám yêu đương, hứa hẹn. Có chăng là tình cảm đồng đội sống chết có nhau”.[53]
Không ít phần sự thật về những chủ đề tế nhị và khó đề cập như hãm hiếp, bạo hành thân thể phụ nữ, bước đi từ phụ nữ trong chiến tranh đến phụ nữ của chiến tranh, xứng đáng được nghiên cứu kỹ hơn. Khi họ đi tìm lương thực để khỏi đói, các nữ TNXP có thể gặp nhiều bất trắc. Nguyễn Văn Đệ gợi lại với sự bối rối trong thứ ngôn ngữ nín lặng, việc đi tìm lương thực nơi trại lính đó: “Thật không sao kể hết những gian khổ, khó khăn mà chị em nữ TNXP đã phải gánh chịu và khắc phục”.[54] Về phía người Mỹ đối địch, nếu ta tin vào các bằng chứng ghê sợ của GI trong chiến tranh, người đàn bà Việt Nam trở thành con mồi tình dục.[55] Ta không dám tưởng tượng số phần của nữ TNXP, đôi khi đơn độc trong rừng, đối đầu với một chiến binh Việt hay Mỹ, kẻ thù thực sự hay cùng phe.
Thân thể sống sót, tinh thần bồng bềnh. Sống còn là một mệnh lệnh hằng ngày. Ai đã đến đó thì những khoảnh khắc vui tươi là quan trọng. Các cô gái mang tính khôi hài đặc biệt trên tiền tuyến. Cuốn theo những người lính, họ cười, khóc và ca hát dưới bom đạn.[56] Những bài ca của họ được sử dụng cho nhu cầu tuyên truyền và lên tinh thần cho các đơn vị. Do vậy mà các đội ca múa nhằm tuyên truyền “Tiếng hát át tiếng bom” được thành lập. Bộ phận tuyên truyền đã tổ chức các chiến dịch nâng cao tinh thần với khẩu hiệu “Biết đi là biết múa, biết nói là biết hát, mỗi cán bộ, đội viên TNXP là một diễn viên”, khẩu hiệu đã trở thành mệnh lệnh cho vở kịch bi hùng này.[57] Có ít ví dụ liên quan đến hệ lụy của chiến tranh và tác động của bom hay chất hóa học lên thân thể các TNXP được kể ra. Tức là người ta biết điều ấy, biết rằng tiếng nổ điếc tai của bom, mảnh pháo để lại những vết hằn không thể phai. Trong địa ngục của chiến tranh, dù có những niềm vui hiếm hoi, cuộc sống thường nhật của TNXP đắm chìm trong thất vọng mênh mông, một nỗi đau khó tả; ở đó sự sống và cái chết dính chằng vào nhau, ở đó có sự táo bạo và can đảm, đôi khi máy móc, làm thành một bản năng tuyệt vời cho sống còn.

Thích ứng hay quen thuộc cho phép giữ hy vọng sống còn. Sự quen thuộc là từ chủ của nhiệm vụ này, cái chết và sự sống tranh nhau số phận của các thanh niên dấn thân vào trận chiến. “Ban đầu đi thì tôi cảm thấy vất vả, thì dần dần bạn bè khuyên bảo rồi thấy quen dần, về phần con gái thấy cũng bình thường”, Đinh Thị Hợi nói thế với một chủ nghĩa định mệnh rõ rệt.[58] Về khả năng thích ứng này, nhà thơ Phạm Tiến Duật nhắc lại kỷ niệm đặc biệt của ông:
“Đơn vị tôi đi qua Đồng Lộc rất nhiều lần và chứng kiến những hy sinh của các chiến sĩ pháo cao xạ và các cô gái TNXP. Một lần dừng lại, tôi quá ngạc nhiên vì một bên là mùi đạn khói vẫn còn khét lẹt, chết chóc rình rập, một bên vẫn ngửi thấy hương lá sả trên tóc các cô gái TNXP, tiếng đùa cợt rất thời bình của họ. Dường như cái chết với họ, bom đạn với họ chẳng là gì.”[59]
Sự chứng thực như vậy làm nổi lên tính định mệnh của sự việc, như Lê Minh Khuê mô tả những nữ anh hùng không tên, “những con quỉ mắt đen”, trở nên vô cảm, trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” viết năm 1971.[60] Huỳnh Thị Tiếp nhớ lại các cô TNXP của lực lượng miền nam: “Tôi không bao giờ quên được những đêm mưa sương lạnh cóng, những ngày khát nước đói cơm, những trận giáp lá cà thư hùng với giặc, cái chết và cái sống chỉ cách nhau trong đường tơ kẽ tóc, nhưng nhớ cũng chỉ để mà nhớ thôi, bởi tôi cũng không biết cách nào để diễn tả lại những hình ảnh đó được”.[61]
Làm sao mô tả, làm sao kể lại ảnh hưởng của những trận bom rải thảm vẫn ám ảnh tâm trí trong bốn mươi năm qua? Những ví dụ bi kịch này không phủ nhận lời của nhà văn Phạm Tiến Duật sau 11 năm trên dãy Trường Sơn: “Có nhiều chuyện trên đường mòn HCM mà người ta không nói tới: khó khăn, cực nhọc, hy sinh và cả thất bại. Tất cả những tác phẩm nói rằng con đường mòn là một thắng lợi vĩ đại đều rất khoa trương”.[62] Bao nhiêu đôi mắt mù lòa, bao nhiêu vầng trán vỡ tan, bao nhiêu mảnh bom khảm sâu vào da thịt?
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào: